top of page

Đâu mới là giá trị thật của một sản phẩm âm nhạc ?

Trích từ bài viết "Sự thoái hóa của âm nhạc Việt: Khi giá trị được tính bằng lượt ‘like’, ‘view’" trên trang redsvn.net.


Đằng sau lợi nhuận có thật và những lượt view, like được thống kê cụ thể, người ta lại phải đặt câu hỏi về tính thực tế của chất lượng sản phẩm âm nhạc.


Vài năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã dẫn đến sự hình thành, phát triển sôi động của ngành công nghiệp âm nhạc, kéo theo thay đổi về cả cách thức sản xuất và tiếp nhận, đánh giá âm nhạc. Tuy nhiên, xu hướng phát triển này cũng mang đến nhiều điều đáng suy ngẫm với nền âm nhạc nước nhà khi chất lượng các sản phẩm chưa chắc tương ứng công nghệ hiện đại.

Cách thức mới trong sản xuất, tiếp nhận âm nhạc

Thực tế cho thấy, lĩnh vực sản xuất băng, đĩa nhạc thời gian qua đang dần phải nhường lại thị trường cho âm nhạc trực tuyến bởi sự phát triển rộng rãi của internet. Giờ đây, việc phát hành các MV âm nhạc trên mạng là “vũ khí” lợi hại giúp những người làm âm nhạc tiếp cận nhanh chóng công chúng. Bên cạnh việc quảng bá MV trên các trang âm nhạc trực tuyến, sự bùng nổ của mạng xã hội còn mang tới phương thức truyền tải nội dung trực tiếp trên internet (Live streaming) giúp các sản phẩm âm nhạc ngay lập tức tiếp cận khán giả cùng thời điểm sản xuất sản phẩm âm nhạc. Những cách làm này không chỉ giúp ca sĩ, nhạc sĩ tiết kiệm chi phí sản xuất, mà còn tiếp cận được đông đảo khán giả, kể cả những người ở xa, điều mà phương thức phát hành âm nhạc truyền thống không thể cạnh tranh.

Hơn thế, nghệ sĩ còn có thể tương tác với người xem bằng nhiều hình thức, lập tức nhận về những đánh giá, phản hồi. Bên cạnh đó, thế giới công nghệ còn dẫn đến sự ra đời của dòng nhạc điện tử (EDM), tức âm nhạc được tạo ra từ các thiết bị điện tử. Xu hướng này hỗ trợ các nhạc sĩ, ca sĩ có thể tìm kiếm những âm sắc mới và khai thác hình thái âm thanh mang tính thể nghiệm cao. Không phải ca sĩ nào cũng có giọng hát hay nhưng họ vẫn tìm được khán giả một phần nhờ kỹ thuật, công nghệ thu âm ngày càng hiện đại giúp che mờ, khỏa lấp những khuyết điểm dễ nhận biết trong giọng hát, cách thể hiện để hoàn thiện hơn sản phẩm âm nhạc.

Không chỉ thay đổi cách thức sản xuất, sự phát triển của kỹ thuật số còn mang tới sự thay đổi trong cách thức tiếp nhận, thưởng thức âm nhạc của công chúng. Thay vì tới một buổi biểu diễn hay căn giờ bật đài, ti-vi, chọn kênh phát sóng, giờ đây chỉ với điện thoại thông minh hay máy tính bảng, ở bất cứ nơi đâu, khán giả cũng có thể thưởng thức đa dạng những sản phẩm âm nhạc theo ý muốn, tự do phản biện, bày tỏ quan điểm, ý kiến… Sự tiện lợi này khiến ngày càng có nhiều người đăng ký nghe nhạc trên các trang nhạc trực tuyến. Cũng nhờ đó mà không cần tới công nghệ lăng xê, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ mới vẫn có thể được đông đảo công chúng biết tới. Việc cùng lúc có thể tiếp cận nhiều sản phẩm âm nhạc cũng đặt ra thách thức, tính cạnh tranh cao hơn đối với những người thực hiện âm nhạc, đòi hỏi họ phải luôn làm mới, hoàn thiện mình để làm ra những sản phẩm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công chúng.

Những ưu điểm này cho thấy, âm nhạc Việt Nam đã thật sự biết tận dụng thế mạnh của công nghệ số để phát triển. Ðây là xu hướng phát triển tất yếu, cũng là mảnh đất đầy hứa hẹn để đưa nhạc Việt ra thế giới; tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được nhận thức và định hướng.

Con số thật, giá trị ảo?

Trong kỷ nguyên số, tiêu chí đánh giá sản phẩm âm nhạc cũng thay đổi. Nếu trước đây, chất lượng ca khúc được khẳng định bằng đánh giá, bình luận của hội đồng nghệ thuật hay sức sống, cách công chúng đón nhận ca khúc, thì ngày nay, sức hút của sản phẩm âm nhạc lại được đo đếm bằng lượt view (lượt nghe), lượt like (yêu thích). Lượt view, like càng nhiều, sức nóng của sản phẩm càng được khẳng định, độ nổi tiếng cũng như doanh thu của ca sĩ càng cao.

Không phải ngẫu nhiên mà Youtube trở thành trang phát hành MV âm nhạc hàng đầu; bởi không chỉ là mạng xã hội lớn nhất về video, đây còn là nơi có chính sách chi trả tiền quảng cáo hấp dẫn dựa vào lượt xem trên từng sản phẩm. Có lẽ, đây chính là lý do khiến việc “cày view”, “câu like” – những thuật ngữ tưởng chừng chỉ để fan nói đùa với nhau khi kêu gọi ủng hộ thần tượng, giờ đã trở thành từ cửa miệng quen thuộc trong tất cả các lời kêu gọi, vận động từ ca sĩ.

Thay vì thưởng thức một cách đúng nghĩa, hưởng ứng chiến dịch “cày view”, các fan thi nhau tăng lượt view, like bằng cách cùng một lúc ôm cả vài điện thoại, máy tính, máy tính bảng để xem sản phẩm âm nhạc. Có những “fan cuồng” còn bỏ học để “cày view” ngày đêm, bật đi bật lại bài hát, đăng nhập một lúc nhiều tài khoản cá nhân chỉ để nâng độ “hot” của ca khúc do thần tượng mình thể hiện.

Đằng sau lợi nhuận có thật và những lượt view, like được thống kê cụ thể; người ta lại phải đặt câu hỏi về tính thực tế của chất lượng sản phẩm âm nhạc. Những con số kia có thật sự là thước đo tính hấp dẫn của sản phẩm, hay chỉ là kết quả thể hiện sự ăn theo nhất thời của cộng đồng fan đối với thần tượng?

Thực tế cho thấy, không ít ca khúc có giai điệu, lời ca dễ dãi vẫn trở thành sản phẩm thu được hơn một triệu view. Chỉ cần ca sĩ biết chiều các “fan”, có chiến dịch vận động tốt sẽ lập tức có ca khúc “hot” và doanh thu. Hơn nữa, thời của thế giới mạng, nhiều khi người ta xem, nghe một sản phẩm không phải vì nó hay mà có khi vì tò mò, bị kích thích bởi một yếu tố lạ, thậm chí là “dở hơi” được khơi lên từ những người xem trước đó. Vì thế, dễ hiểu khi với cùng một bài hát có lượt view cao, có tới một phần ba trong số đó bấm nút dislike (không thích). Ðây càng là minh chứng cho thấy nếu chỉ dựa vào lượt view, like, chưa thể khẳng định giá trị thật của một sản phẩm âm nhạc.

Song điều đáng buồn là nó lại trở thành căn cứ khiến những ca sĩ trẻ, nhạc sĩ trẻ hiện nay tự huyễn hoặc về tài năng bản thân với những giá trị ảo; và những sản phẩm chạy theo thị hiếu dễ dãi của đám đông cứ thế xuất hiện trên thị trường âm nhạc trực tuyến. Ðiều này cũng giải thích tại sao các bản hit âm nhạc cứ liên tiếp xuất hiện nhưng đời sống ngắn ngủi, chất lượng làng nhàng không điểm nhấn. Và đây cũng là căn nguyên khiến những thuật ngữ mới như “ca khúc theo mùa” hay “ca khúc thời trang” xuất hiện.

Chỉ tính riêng mùa valentine vừa qua, đã có hàng loạt ca khúc mới của các ca sĩ trẻ trình làng lập tức thu về số lượt views, likes lớn. Song thử hỏi, vài tháng trôi đi, còn mấy ai nhớ tới những ca khúc này? Rõ ràng, lấy lượt view, download làm thước đo cho chất lượng bài hát là xu hướng tất yếu của thế giới nhưng lại không phản ánh đúng chất lượng âm nhạc của Việt Nam, bởi thị hiếu âm nhạc vốn không cao của phần lớn công chúng nghe nhạc Việt dễ khiến những giá trị thật – ảo bị đánh đồng, yếu tố thuần giải trí trong âm nhạc có điều kiện lên ngôi, lấn át những giá trị nghệ thuật thật sự.

Âm nhạc số mang đến nhiều cơ hội để những người làm âm nhạc được tiếp cận những sản phẩm chất lượng cao trên thế giới. Song bên cạnh việc học hỏi, làm quen, tiếp cận những xu hướng âm nhạc mới, cũng xuất hiện cả những hiện tượng “đạo”, “nhái” trong âm nhạc từ trắng trợn đến tinh vi, hình thành thói quen sáng tác kiểu dễ dãi, lười biếng. Những cái mà nước ngoài họ mất công sáng tạo, xây dựng thương hiệu như đầu tóc, trang phục, tác phẩm âm nhạc, thì chẳng mấy chốc đã thấy xuất hiện bản copy ở sân khấu ca nhạc nước ta. Từ giai điệu âm nhạc, đến cách phối khí… từ quần áo, đầu tóc, đến điệu bộ đi lại, thậm chí cả cách đặt tên cũng phải cố gắng sao cho na ná, hoặc giống với tên của bản nhạc, ca sĩ, hoặc nhóm nhạc nổi tiếng nước ngoài…

Phát triển âm nhạc số là hướng đi tất yếu của thế giới và âm nhạc Việt Nam không thể nằm ngoài guồng nhịp đó. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chất lượng âm nhạc phát triển tương ứng với những bước đi sôi động của âm nhạc trong kỷ nguyên số. Ðây là vấn đề không đơn giản và không phải muốn là làm được, vì yếu tố quyết định hàng đầu chính là trình độ thẩm mỹ âm nhạc nói chung của cả người làm nhạc và công chúng – yếu tố phải được hình thành qua quá trình đào tạo bài bản. Nếu thẩm mỹ âm nhạc của người nghe tốt, đương nhiên những lượt view, like sẽ không trở thành những con số ảo, và sự khắt khe trong mỗi lần like của công chúng cũng sẽ tạo thành động lực để người làm nhạc cố gắng tự hoàn thiện những sản phẩm của mình theo hướng tích cực. Và đương nhiên, để làm được điều này cần có giải pháp mang tính chiến lược của cả ngành văn hóa, âm nhạc, và đặc biệt là sự thay đổi về giáo dục âm nhạc trong cả hệ thống đào tạo.

105 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page